Wednesday

Vì sao tro cốt phi công trong tai nạn máy bay SU22 lại đựng trong túi

Hôm qua đến nay, trên FB có rất nhiều người phê phán cách làm khó hiểu, không trân trọng của quân đội khi đưa tro cốt thiếu tá Nguyễn Anh Tú, một trong hai phi công hy sinh trong tai nạn máy bay SU 22 trên biển Bình Thuận. Tấm ảnh chụp ở sân bay Cát Bi (Hải Phòng) cho thấy tro cốt của thiếu tá Nguyễn Anh Tú được đựng trong một....túi xách. Nhiều người đã ghép ảnh, so sánh cách mà Mỹ, Nga, Malaysia... đón thi hài của binh sĩ tử trận với lá cờ tổ quốc phủ lên trên quan tài đầy trân trọng với hình ảnh này. Rồi từ đó, suy ra nhiều điều.
Cá nhân mình cũng cho rằng hình ảnh hai chiến sĩ phòng không không quân đưa tro cốt anh Tú xuống máy bay, phía sau lố nhố hành khách, phía trước lại là một sĩ quan đi chào, có vẻ rất trúc trắc, không nghiêm trang.
Tuy nhiên sự thật có phải là quân đội đã thiếu trang nghiêm trong việc này hay không? Mình là người được tòa soạn phân công theo dõi diễn biến vụ rơi hai máy bay SU 22 này ngay từ đầu cho đến ngày lễ tang, qua những gì mình biết từ gia đình và từ Bộ Tổng tham mưu - Bộ Quốc phòng thì mình nghĩ là không.
Không đề cập đến nỗ lực tìm kiếm trong 16 ngày đêm với tất cả phương tiện tối tân, khi tìm được thi thể hai phi công, Bộ Quốc phòng đã điều ngay hai trực thăng ra Phú Quý (Bình Thuận) để đưa các anh về. Thi hài anh Tú còn được đưa về Phan Rang, cho xe chở qua chào gia đình rồi mới đưa vào bệnh viện quân y 175 ở TP.HCM. Vấn đề cần nói rõ ở đây là: Lễ tang chính thức hai phi công Nguyễn Anh Tú và Lê Văn Nghĩa do Bộ Quốc phòng tổ chức đã được diễn ra tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng ở TP.HCM. Với đầy đủ nghi thức trang trọng nhất của quân đội, có mặt đông đủ đại diện của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Quân chủng phòng không không quân. Sau đó, di hài hai phi công đã được đưa hỏa táng.
Và đến đây thì cần rành mạch một chút. Khi hỏa táng nghĩa là lễ tang chính thức do Bộ Quốc phòng tổ chức đã kết thúc. Đại diện gia đình sẽ nhận tro cốt và tùy theo nguyện vọng gia đình, Bộ Quốc phòng sẽ cấp kinh phí và phương tiện để gia đình đưa tro cốt đi an táng. Và kể tử thời điểm hỏa táng xong, các anh đã được trao gửi lại cho gia đình để cử hành các nghi lễ an táng theo ý nguyện gia đình. Mình được biết, gia đình anh Tú đã được Bộ Quốc phòng mua 12 vé máy bay từ TP.HCM đi Cát Bi (Hải Phòng) để đưa tro cốt của anh về quê. Đây hoàn toàn là một chuyến bay dân sự, nghi lễ dân sự. Và việc để tro cốt vào trong túi xách là cách làm của gia đình. Quận đội hoàn toàn không liên quan đến nghi lễ này. Khi rời khỏi đài hóa thân ở Bình Hưng Hòa, gia đình hoàn toàn có thể đem tro cốt đến bất cứ đâu bằng nghi lễ dân sự bình thường. Vì lễ tang theo nghi thức quân sự đã kết thúc trước đó..
Còn vì sao có cảnh những người lính mang cái túi xách đựng hài cốt ở sân bay, đi theo nghi thức nhà binh, phía sau là lố nhố hành khách. Việc đón này không nằm trong nghi thức lễ tang của quân đội mà đây là nghĩa cử của đồng chí, đồng đội, được các đơn vị quân chủng phòng không không quân ở Hải Phòng ra đón.
Mình đồng ý rằng hình ảnh ở sân bay Cát Bi là hơi tréo nghoe, và có phần "phản cảm" nếu chúng ta không nắm hết sự việc và đem so sánh. Đồng thời vẫn có thể có cách làm trang trọng, kỹ lưỡng hơn.
Nhưng nếu lấy hình ảnh đó để phê phán thì đó là sự phê phán chưa chính xác, phủ nhận những nỗ lực và sự trân trọng của các đơn vị quân đội trong việc tim kiếm thi thể và tổ chức lễ tang của hai phi công. Một chút ít thông tin mình biết và vài nhận định riêng của mình, chia sẻ với mọi người.

Nguồn: facebook Sự Viễn

No comments:

Post a Comment

BACK TO TOP