Tuesday

Người Việt tỵ nạn Cộng Sản: Có thật vì lý do chính trị?

Sự kiện lịch sử xảy ra cách nay 40 năm, vào tháng Tư năm 1975 đã kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài gần hai mươi năm, đánh dấu sự thất bại dứt khoát và toàn diện của hành động can thiệp quân sự quy mô của Mỹ và đám chư hầu của các chế độ Sài Gòn. Nó mở ra một kỷ nguyên chưa bao giờ có trong suốt chiều dài mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đó là một Việt Nam độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, và hoàn toàn do người Việt Nam làm chủ vận mệnh đất nước mình.

Tuy nhiên sự kiện lịch sử này cũng mở ra một giai đoạn của rất nhiều người Việt Nam bỏ nước ra đi mà đa số những người ra đi này là từ miền Nam Việt Nam, những người đã sống qua các chế độ chính trị của miền Nam. Họ được nói đến như là “những người tỵ nạn cộng sản” vì lý do rõ ràng là việc bỏ nước ra đi này xảy ra chỉ sau khi chính quyền cộng sản miền Bắc trở thành nhà cầm quyền duy nhất của toàn thể Việt Nam, cả Nam lẫn Bắc. Sự giải thích chính thống, thường ở “cửa miệng” của nhiều người cho sự ra đi này là do chính sách cai trị kềm kẹp hà khắc, tàn bạo, bần cùng, và phân biệt đối xử của chế độ mới. Vậy ta hãy nhìn kỹ xem có phải đó là nguyên do chính đáng và duy nhất cho sự ra đi này không?
Việc bỏ nước ra đi của nhiều người Việt Nam từ năm 1975 chia ra làm nhiều đợt. Đợt ra đi đầu tiên xảy ra ngay trong những ngày ngắn ngủi cận kề trước sau thời điểm sụp đổ của chính quyền Sài Gòn. Đây là đợt ra đi đông nhất, gồm hầu hết là các sĩ quan, viên chức quân, dân sự, trung, cao cấp của chính quyền Sài Gòn và những người làm việc cho các cở sở Mỹ cùng gia đình, thân nhân của họ. Họ ra đi vì nỗi lo sợ, hoang mang cùng cực, do sự suy nghĩ rằng với một quá khứ phục vụ đắc lực cho Mỹ và các chế độ Sài Gòn, gây ra nhiều tổn hại cho phía cách mạng thì thế nào họ cũng bị nguy hại đến tính mạng nếu còn ở lại. Họ hồi tưởng lại những hành động tàn ác của họ gây cho phía bên kia, cụ thể qua các phòng cảnh sát đặc biệt đầy các dụng cụ tra tấn cho việc hỏi cung; các chuồng cọp giam giữ tù binh Việt Cộng ở Côn Đảo và các trò hành hạ vô nhân đạo khác; các kiểu giết người dã man như đạp tù binh rớt xuống khỏi máy bay trực thăng, hay bảo tù binh rằng họ được tha và hãy chạy đi nhưng khi tù binh chạy thoát thân thì bị nhắm làm cái đích để bắn chết; qua các tên lính hung ác cắt tai xỏ xâu của xác các Việt Cộng bị chúng bắn chết để làm chiến lợi phẩm; qua các cuộc hành quân của quân đội chế độ Sài Gòn vào các vùng oanh kích tự do hay vùng “xôi đậu” tha hồ cướp bóc, hảm hiếp, và bắn giết... Từ đó, họ tiên đoán thế nào cũng có “một biển máu” xảy ra vì sự trả thù nếu cộng sản chiến thắng. Cho nên họ đạp lên nhau mà chạy. Họ tranh nhau mà leo lên các chiếc máy bay cuối cùng, lên những con tàu nhổ neo cuối cùng. Họ lấm lét gườm nhau, dòm chừng nhau, rồi lẳng lặng mạnh ai nấy đi, mạnh ai nấy chạy. Các tướng tá Sài Gòn mới hôm qua tuyên bố một cách hùng hồn “tử thủ”, ra lệnh cho các thuộc cấp không được bỏ nhiệm sở thì ngày hôm sau chuồn mất! Những mỹ từ cao cả như “tình đồng đội”, “danh dự”, “trách nhiệm”… nay trở thành vô nghĩa, rỗng tuếch. Thật ra họ là nạn nhân của chính cái chính sách tuyên truyền ngu xuẩn mà họ là tác giả. Chính sách tuyên truyền này qua bao nhiêu năm đã mô tả những người cộng sản miền Bắc là những kẻ vô thần, vô gia đình, vô tổ quốc, chỉ biết có đảng, em tố anh, con tố cha, vợ tố chồng, ngờ vực, nghi kỵ nhau, lạnh lùng, sắt đá, không tình cảm, sẵn sàng sát hại, chém giết không gớm tay vì lợi ích của đảng. Họ bỏ chạy vì tâm lý lo sợ, khủng hoảng cùng cực chứ không phài là “tỵ nạn cộng sản” vì họ có sống với chế độ cộng sản ngày nào đâu để biết cộng sản như thế nào mà chán ghét, căm thù, không sống nổi mà bỏ đi!Đợt hai là những người vượt biển vào những năm 1976, 77, 78. Nếu bảo “tỵ nạn cộng sản” thì những người này mới thật là “tỵ nạn” vì họ đã sống dưới chế độ mới được hai, ba năm rồi. Họ bảo họ đã nếm “mùi” thế nào là cộng sản nên họ sợ, họ chán mà bỏ đi. Nhưng cái ”mùi” mà họ bảo là họ đã nếm có thật chính xác không, có đúng như lời họ nói không? Muốn biết rõ thêm thì hãy nhìn xem tình hình đời sống của người dân miền Nam của những năm tiếp theo sau ngày giải phóng như thế nào. Trước tiên là đời sống người dân, nhất là người dân ở thành thị, gặp nhiều khó khăn, khổ hẳn ra so với cuộc sống của họ trước 1975. Cuộc sống sung túc bề nổi mà họ hưởng được trước 1975 là cuộc sống sung túc mà không có nền tảng vì kinh tế của miền Nam là con số không, hoàn toàn sống nhờ vào tiền viện trợ của Mỹ cho cuộc chiến, giống như một cánh hoa chùm gửi đẹp, tươi tốt vì nó nhờ sống bám vào cây cổ thụ. Bây giờ nó bị dứt ra khỏi cây cổ thụ ấy thì làm sao có được sự sung túc như xưa. Miền Bắc, sau bao nhiêu năm dồn hết sức lực và tài nguyên cho cuộc chiến ở miền Nam thì hơi đã tàn, lực đã kiệt, nay lại phải gánh vác thêm một miền Nam phi sản xuất, không còn có những món tiền hào sảng của Mỹ thì có biết bao nhiêu vấn đề cần phải giải quyết. Để giải quyết nhiều vấn đề quan trọng cùng một lúc, nhất là vấn đề an ninh cũng như cuộc sống của người dân, nhà nước buộc phải có những chính sách khắc nghiệt. Những chính sách này phải tuân thủ theo các nguyên tắc cốt lõi của chủ nghĩa xã hội. Đó là bất cứ hoạt động sinh kế nào không trực tiếp tạo ra của cải hay sản phẩm đều bị coi là bất chính. Các mối lợi có từ những sinh hoạt môi giới, trung gian, mua đi bán lại, buôn lậu, chợ đen, đầu cơ tích trữ… đều là phi pháp. Cho nên một loạt các cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh được thực hiện, dẹp bỏ toàn bộ các buôn bán nhỏ, vừa, và lớn. Số người, đối tượng cho các cuộc cải tạo này, sau khi bị cải tạo phải kết hợp nhau để thành lập hoặc gia nhập các hợp tác xã làm ra sản phẩm, nếu không thì phải đi vùng kinh tế mới để bắt đầu một cuộc sống lao động vất vả. Hàng ngàn viên chức, sĩ quan của chế độ cũ bị tập trung đi học tập cải tạo, để lại phía sau những thân nhân không có công ăn việc làm, cũng buộc phải đi vùng kinh tế mới để sản xuất. Những người làm nghề nông, trồng trọt lúa gạo thì phải vào hợp tác xã, khiến năng suất thu hoạch bị sút giảm vì nông dân miền Nam không quen với lối làm ăn tập thể nên gây ra tình trạng cha chung không ai khóc, làm cho lấy có, không cật lực. Rõ ràng là đời sống của người dân miền Nam xuống thấp thấy rõ. Nhưng đó không phải là chính sách phân biệt đối xử của chế độ mới, của kẻ chiến thắng đối xử với kẻ chiến bại. Không phải kẻ chiến thắng thì ăn trên ngồi trốc còn kẻ chiến bại thì bị bóc lột, hành hạ. Người dân miền Bắc còn khổ hơn rất nhiều. Các viên chức, cán bộ của nhà nước cũng phải sống cuộc sống thắt lưng buộc bụng, thiếu thốn trăm bề y như các người dân bình thường khác. Cũng phải ăn cơm độn với bo bo hay khoai sắn, cũng phải ăn theo chế độ khẩu phần gạo, thịt, cá, vải vóc…và các nhu yếu phẩm khác, tùy theo công việc lao động của mỗi người. Người dân của ba miền đất nước đều khổ như nhau, kẻ chiến thắng cũng như kẻ chiến bại. Vậy thì những người vượt biển, bỏ nước ra đi không phải vì họ không chịu được cái khổ, cái đọa đày chỉ có họ là nạn nhân do bị phân biệt đối xử như theo lời họ ta thán mà vì họ không chịu được cái khổ chung của cả nước.
Còn về mặt chính trị thì sao? Chế độ mới này rõ ràng là chế độ chính trị của những người lao động, bần cùng, thấp cổ bé miệng - những người bị chèn ép, hiếp đáp, khinh khi vì nghèo, vì ít học, vì không có phương tiện sản xuất nên phải đi làm thuê, làm mướn. Những chiếc nghế ngồi danh dự của các cuộc mít tin trọng thể, của các buổi lễ long trọng trên khán đài là dành cho các bà mẹ quê chất phác, lam lũ; những chiến sĩ, cán bộ bình dị, chân chất, chứ không là chỗ ngồi của các tai to mặt lớn, bệ vệ, khinh khỉnh mà ta luôn luôn thấy ở các khán đài của các chế độ Sài Gòn trước đây. Tự do và quyền lợi cá nhân không được đặt nặng hay xem trọng, nhường chỗ cho quyền lợi của cộng đồng, chòm xóm, đất nước, tổ quốc. Cái chung thường được nói đến nhiều hơn là cái riêng. Những người làm ăn giàu có, những trí thức, học cao như bác sĩ, kỹ sư…, thường có một cuộc sống kênh kiệu, hách dịch, và khinh thường những người lao động chân tay, ít học ở các chế độ cũ nay buộc phải thay đổi cung cách sống, không dám tỏ ra khoe khoang, khinh dễ như xưa nữa. Họ cảm thấy không được trọng vọng cho tương xứng với trình độ học vấn hay đẳng cấp xã hội của họ cho nên không ít trong loại người này không thích chế độ mới, và họ tìm cách bỏ nước ra đi.
Đợt cao điểm vượt biển ra đi nhiều nhất lần thứ hai là năm 1979, sau cuộc chiến tranh biên giới với Trung quốc. Lo sợ rằng số lượng người Việt gốc Hoa có thể trở thành là kẻ tiếp tay cho giặc nếu Trung quốc gây chiến với ta một lần nữa, nhà nước đã âm thầm cho ra một chính sách đối xử riêng biệt với nhóm người Việt gốc Hoa này. Những viên chức, cán bộ Việt gốc Hoa thì bị buộc về hưu hay chuyển đổi qua những công tác không quan trọng. Còn số người Việt gốc Hoa bình thường khác thì được khuyến khích bỏ nước ra đi. Nếu chế độ miền Nam Việt Nam trước 1975 có một nền kinh tế thì nền kinh tế này hoàn toàn nằm trong tay đám người Việt gốc Hoa. Ở tất cả các thành phố của miền Nam, những con đường chính yếu, thương mại sầm uất là chỗ chiếm lĩnh của các cửa hàng, tiệm ăn đủ mọi loại của ngườI Việt gốc Hoa. Họ làm giàu qua việc buôn bán, môi giới, đầu cơ tích trữ, dìm giá ép giá, buôn lậu, và hối lộ. Họ sống trên đất nước Việt Nam mà họ chỉ nói tiếng Hoa, lập hội ngườI Hoa, trường học tiếng Hoa, sinh hoạt thuần túy văn hóa, tập quán Hoa…Chợ Lớn là một thành phố hoàn toàn do người Hoa thống lĩnh. Những người Việt Nam có chút tinh thần dân tộc cảm thấy rất bất mãn với cung cách làm ăn và sinh sống của đám người Hoa này nhưng không làm gì được vì họ được sự bao che của những viên chức tham nhũng của các chế độ Sài Gòn. Cho đến khi họ bị cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh thì tiệm buôn, của cải, nhà ở của họ bị tịch thu. Sự độc quyền kinh tế của họ tưởng chừng như không bao giờ bị sụp đổ thì nay bỗng chốc tan tành ra mây khói. Người dân miền Nam cảm thấy thật hả dạ với việc làm này của nhà nước. Khi họ được chính quyền cho biết họ được phép vượt biển, ra đi không chính thức thì họ vui mừng không gì bằng. Vì sau khi bị cải tạo, họ không còn được phép làm những công việc sinh kế như xưa nữa, cả cơ ngơi họ tạo dựng được đều bị tịch thu, cho nên họ là kẻ căm ghét chế độ nhất, chỉ muốn đi nơi nào khác để làm lại cuộc sống. Nhà nước, thông qua công an, tổ chức các chuyến tàu vượt biển cho người Việt gốc Hoa, trung bình chi phí cho mỗi người là 10 cây vàng. Như vậy, qua hai cách, cải tạo và cho đi vượt biển, nhà nước đã tóm gọn toàn bộ- của nổi lẫn của chìm- của đám người Hoa này. Cho nên cả hai bên đều hài lòng và có lợi. Người Việt gốc Hoa rất vui mừng được ra đi và nhà nước không còn nỗi âu lo về an ninh. Hàng loạt các con tàu chở đầy người Hoa vượt biển xuất phát từ Cà Mau, Rạch Giá, Nha Trang, Qui Nhơn… liên tục đến các đảo của Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Hong Kong. Cho đến khi các nước bị đổ bộ bởi quá đông người vượt biển công khai lên án Việt Nam “xuất cảng” người vượt biển thì nhà nước mới cho ngưng hẳn chương trình này.  
Sau đợt vượt biển được cho phép không chính thức này thì người vượt biển ra đi vẫn còn tiếp tục lai rai ở những năm 1980 cho đến sau 1985, tuy không nhiều như trước. Một phần vì sự hoành hành của hải tặc Thái Lan và sự hững hờ, không còn sẵn lòng cứu giúp như trước kia của các con tàu thương thuyền khi gặp các chiếc ghe của người vượt biển. Thêm vào đó, các nước cho người vượt biển tạm trú tỏ ra rất lạnh nhạt, miễn cưỡng trong việc tiếp nhận, bắt đầu có những biện pháp ngăn chận, xua đuổi người tỵ nạn. Đồng thời nước Mỹ vốn là nước rất rộng lượng trong việc thu nhận người tỵ nạn thì nay bắt đầu một chính sách rất khắc khe trong tiến trình cứu xét. Người ta hay nói lý do chính cho nhiều người bỏ nước ra đi là vì sự cai trị “quá tàn ác” của chế độ cộng sản Việt Nam. Đó là lối nói qui chụp. Chế độ chính trị khác nhau một trời một vực giữa hai chính quyền trước và sau 1975 đưa đến hai cách sống và nhận thức khác nhau đã làm cho nhiều người dân đã quen với lối sống của miền Nam không có khả năng thích nghi với lối sống và suy nghĩ mới dưới chế độ mới. Thêm nữa, những người bỏ nước ra đi trước kia, nay đã có đời sống sung sướng và ổn định ở Mỹ và các nước phương Tây khác viết thư về các thân nhân còn ở tại Việt Nam, mô tả một cuộc sống đầy đủ mà họ đang thụ hưởng đã là một trong những nguyên nhân chính yếu thôi thúc quyết tâm vượt biển của những người còn ở lại Việt Nam. Mặc dù xảy ra một cách lén lút và bất hợp pháp, vượt biển đã trở thành là một phong trào của những năm sau 1975 và là một thương vụ béo bở của những kẻ tổ chức vượt biển. Những người tìm đường vượt biển đã bị những kẻ tổ chức gian xảo lừa đảo nhiều lần, công khai và trước mặt mà người bị lừa không làm gì được, vì không thể nào đi tố cáo với công an hành động bị ngăn cấm của mình và của kẻ lừa mình. Nếu việc bỏ nước ra đi chỉ thuần túy là lý do chính trị, không thể nào chịu nỗi “sự cai trị tàn bạo” của chế độ mới thì những người tìm đường vượt biển cùng với những kẻ tổ chức vượt biển lẽ ra phải có sự cảm thông, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau vì cùng lý tưởng “đi tìm tự do” thay vì lợi dụng để dối gạt, lừa đảo, kiếm lợi cho riêng mình. Hóa ra tại nơi xuất phát của “cuộc hành trình đi tìm tự do” mà ông thượng nghị sĩ người Canada gốc Việt Ngô Thanh Hải vận động ráo riết để thành dự luật chỉ là tụ điểm của “những người đi tìm tự do” dối gạt, lừa đảo nhau chỉ vì những cây vàng dễ kiếm như trở bàn tay.  
Có lẽ đám người Việt gốc Hoa là phù hợp với nhãn hiệu “tỵ nạn cộng sản” vì họ là những kẻ bị mất mát nhiều nhất do chế độ cộng sản gây ra, tuy nhiên họ rất mừng để được ra đi. Nhưng việc làm của chế độ đối với họ đã làm hả dạ dân chúng Việt Nam, vì có lợi cho an ninh và quyền lợi của đất nước.Vậy thì họ “tỵ nạn cộng sản” là đúng nhưng bảo rằng họ bị đối xử bất công, oan ức thì là không. Còn những thành phần vượt biển còn lại khác thì chủ yếu là lý do kinh tế - những kẻ bỏ cuộc, đầu hàng, không muốn đồng cam chịu khổ với cái khổ chung của toàn dân Việt lúc bấy giờ.  
Minh Đức, April 26, 2015
Nguồn: KBCHN.NET


No comments:

Post a Comment

BACK TO TOP