Tuesday

Những trò quái gở

             Hằng năm, cứ đến dịp kỷ niệm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17-2-1979) thì trên các trang chống cộng cùng mạng xã hội của những anh chị “dân chủ” trong và ngoài nước lại tràn ngập những bài viết với giọng điệu xuyên tạc, cho rằng Đảng, Nhà nước ta “sợ Trung Quốc” nên cố tình lãng quên hoặc né tránh nhắc tới sự kiện này.

Năm nào trò “thắp hương tưởng niệm” các anh hùng liệt sĩ trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc cũng do mấy nhóm chống phá có tên No-U Hà Nội hay Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng ở TP. Hồ Chí Minh thực hiện. Họ là những người tự xưng đấu tranh cho tự do, dân chủ trong nước và cách thức thực hiện là tụ tập giương băng - rôn, biểu ngữ lên án chính quyền, Nhà nước ta lệ thuộc Trung Quốc, lãng quên xương máu các anh hùng liệt sĩ.

Năm nay, vẫn là mấy gương mặt quen thuộc như Nguyễn Thúy Hạnh, Lê Nguyên Hoàng, Mai Phương Thảo, Đặng Bích Phượng, Nguyễn Xuân Diện…, nhưng trò tưởng niệm được thực hiện ngay tại Hà Nội chứ không phải tại nơi các chiến sĩ hy sinh. Họ bịa đặt chính quyền lãng quên mộ phần liệt sĩ, ngăn chặn, cấm đoán người dân tổ chức tưởng niệm liệt sĩ. Và cũng như mọi năm, hoạt động này được các trang chống cộng như Việt Tân, RFA, BBC, VOA… tường thuật bằng giọng điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng, Nhà nước gắn với vấn đề biển đảo để khơi dậy tư tưởng bài Trung… Cụ thể, ngày 16-2, trang VOA tiếng Việt đăng bài: Cộng đồng mạng Việt Nam - Ngày 17/2 nhắc nhở về hiểm họa Trung Quốc; ngày 17-2 trang BBC tiếng Việt có bài: Chiến tranh biên giới 1979 nhắc nhở lãnh đạo Việt Nam điều gì? Còn đài Á Châu tự do thì có bài Kỷ niệm rầm rộ 40 năm chiến tranh với Trung Quốc trên mặt báo nhưng chặn tưởng niệm trong thực tế. Các trang khác như Bauxite Việt Nam, Chân trời mới, rfa.org… nếu không phỏng vấn những nhân vật chống phá quen thuộc thì cũng chia sẻ những bài viết nói trên cùng những bình luận vu cáo, công kích, đòi chính quyền thể hiện “lập trường thoát Trung”. Còn với những nhà “dân chủ” trong nước, ngoài việc trả lời các trang chống cộng, hoặc la lối trên trang cá nhân rằng chính quyền “lãng quên” sự kiện thì việc làm yêu thích của họ là chăng biểu ngữ phản đối chính quyền, phản đối Trung Quốc rồi ôm hoa chụp hình “tự sướng” đăng lên mạng xã hội.

Trên thực tế, tất cả những người lính, dù là thời chống Pháp, chống Mỹ hay trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam đã ngã xuống vì nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc đều được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, vinh danh. Người thân của tất cả liệt sĩ đều được Tổ quốc ghi công, được hưởng mọi chế độ đền ơn đáp nghĩa. Không hề có chuyện mộ phần của các liệt sĩ trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc bị Nhà nước lãng quên. Cũng không hề có việc chính quyền ngăn cản người dân tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống chiến trường biên giới phía Bắc như các nhà “dân chủ”, các trang chống cộng bịa đặt, vu cáo - trừ khi họ nhân danh tưởng niệm để tổ chức các hoạt động chống phá đất nước.

Từ nhiều năm qua, ở phía Nam, nhóm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng thường “đòi” Nhà nước phải công nhận chiến tranh biên giới là cuộc chiến tranh xâm lược, “đòi” ghi nhận và vinh danh các liệt sĩ hy sinh vì chiến tranh biên giới… Thực tế, cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Bắc đã được trình bày trong sách giáo khoa, cuốn Lịch sử lớp 12, tại mục II “Đấu tranh bảo vệ Tổ quốc 1975-1979), bài 25 “Xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh bảo vệ Tổ quốc 1976-1986”, trong đó có những đoạn rất cụ thể về cuộc chiến: “Sáng 17-2-1979, quân đội Trung Quốc huy động 32 sư đoàn mở cuộc tấn công dọc biên giới nước ta từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu). Để bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc, quân dân ta, trực tiếp là quân dân sáu tỉnh biên giới phía Bắc đã đứng lên chiến đấu. Đến ngày 18-3-1979, quân Trung Quốc rút khỏi nước ta”. Hay “Bảo vệ biên giới phía Bắc: Hành động thù địch chống Việt Nam của tập đoàn Pôn Pốt được một số nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc đó đồng tình ủng hộ. Họ còn có những hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị của nhân dân hai nước như cho quân khiêu khích dọc biên giới, dựng nên sự kiện “nạn kiều”, cắt viện trợ, rút chuyên gia…”. Nhưng họ không đọc hoặc cố tình lờ đi và la lối, vu khống Nhà nước ta “bỏ quên lịch sử”. Và thật nực cười, trò vu khống của các nhóm này lại được một số trang, trong đó có trang Bauxite Việt Nam hùa theo “tố” rằng sử sách Việt Nam không ghi nhận cuộc chiến này.

Chẳng riêng gì sự kiện kỷ niệm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, đối với những kẻ chống phá như thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, nhóm No-U Hà Nội hay những nhóm nhỏ bất đồng chính kiến khác, tất cả những sự kiện có yếu tố chính trị, lịch sử đều được họ tận dụng triệt để nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta. Những năm qua, dù là dịp kỷ niệm Quốc khánh hay giải phóng miền Nam, Giỗ tổ Hùng Vương, đại hội Đảng các cấp hay bầu cử… các nhà “dân chủ” đều làm một cái gì đó phản đối Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Thậm chí họ còn bày trò “tưởng niệm Hải chiến Hoàng Sa”, “Hải chiến Gạc Ma”... để tụ tập đông người, tổ chức các hoạt động chống phá. Họ mượn danh thắp hương tưởng niệm để kích động biểu tình, gây rối. Với sự kiện kỷ niệm chiến tranh biên giới Việt - Trung, ngoài tụ tập gây rối an ninh trật tự, họ thường gắn vào quan điểm bài Trung và xuyên tạc, phá hoại mối quan hệ hai nước. Tuy nhiên, dẫu nhân danh một việc làm đạo lý, song từ nhiều năm qua, trò “tưởng niệm” của những đối tượng chống phá vẫn không lan tỏa được tới cộng đồng. Bởi ai cũng hiểu rõ, họ diễn trò này chỉ với mục đích duy nhất là kích động tâm lý bất mãn, cực đoan, bài xích chế độ vì đã không “thoát Trung, bài Tàu, thân Mỹ” như họ thường ra rả bấy lâu nay.

Việc quốc gia đại sự, làm sao có thể chiều theo những trò quái gở ấy!  

            Thảo Linh

No comments:

Post a Comment

BACK TO TOP