Friday

Nhận diện cái gọi là “Tù nhân lương tâm”

         Thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam, “dân chủ”, “nhân quyền” luôn là hai vấn đề chiến lược được các thế lực thù địch triệt để lợi dụng nhằm gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Sử dụng hai vấn đề này, các thế lực thù địch tiến hành rất nhiều chiêu trò, thủ đoạn nguy hiểm, trong đó chiêu trò gắn mác "tù nhân lương tâm" cho những đối tượng vi phạm pháp luật bị cơ quan chức năng truy tố, xử lý theo đúng quy định được chúng thường xuyên sử dụng. Vậy, sự thật những người mà chúng gọi là “tù nhân lương tâm” là ai?

Trước tiên cần khẳng định rằng: Ở Việt Nam không bao giờ có cái gọi là “tù nhân lương tâm” mà thực chất đó chỉ là những người vi phạm pháp luật (điển hình như: Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, Phạm Chí Dũng, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Phạm Đoan Trang, Trần Thị Thúy... Tất cả những người này đều bị xét xử về tội danh tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự)

Thực tế, “Tù nhân lương tâm” là một thuật ngữ do Tổ chức Ân xá quốc tế nghĩ ra nhằm chỉ những người bị bỏ tù vì lý do chủng tộc, chính trị, tôn giáo, màu da… Tuy nhiên, về bản chất việc đưa ra khái niệm này Tổ chức Ân xá quốc tế đã cố tình tạo ra sự mập mờ giữa người hoạt động nhân quyền đích thực với người chỉ nấp dưới chiêu bài nhân quyền để gây rối, chống đối, phá hoại. Mục đích chính của việc gắn mác “tù nhân lương tâm” đó là biến các đối tượng vi phạm pháp luật thành những công dân dũng cảm đấu tranh cho nhân quyền, cho dân chủ. Đây là một âm mưu, thủ đoạn nguy hiểm của các thế lực thù địch, phản động nhằm đánh lừa dư luận trong nước và quốc tế; cổ súy, hậu thuẫn, hỗ trợ cho số đối tượng chống đối, phá hoại công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Cần biết rằng, bất kỳ quốc gia nào cũng đều sử dụng công cụ thông qua hệ thống pháp luật để quản lý xã hội. Mọi hành vi của các tổ chức, cá nhân đều phải tuân thủ những quy định của pháp luật do nhà nước ban hành. Hệ thống pháp luật Việt Nam là công cụ quan trọng để nhà nước bảo vệ trọn vẹn quyền và lợi ích hợp pháp của mọi công dân trong xã hội. Cho nên, việc tuân thủ pháp luật, thượng tôn pháp luật của mọi tổ chức, mọi công dân là vấn đề tất yếu. Đó cũng chính là cách để Nhà nước Việt Nam bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mọi công dân. Theo đó, việc xử lý những người vi phạm pháp luật cũng là lẽ bình thường, không phải là chuyện riêng của Việt Nam.

Như vậy, một lần nữa có thể khẳng định rằng: Ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm” mà chỉ có những đối tượng vi phạm pháp luật, bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Và những người trót bị gắn cho cái mác “tù nhân lương tâm” và được nhận “lương tháng” thực chất chỉ là công cụ để các thế lực thù địch thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình” tại Việt Nam mà thôi và theo thời gian khi cộng cụ đó bị hỏng, chúng sẽ bị thay thế bằng công cụ mới.

No comments:

Post a Comment

BACK TO TOP