Sunday

SỰ KIỆN GẠC MA - 28 NĂM NHÌN LẠI


Viễn

Cách đây 28 năm về trước, ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã ngang nhiên, trắng trợn dùng vũ lực tấn công đánh chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 28 năm qua, mỗi lần nhắc đến Gạc Ma là lòng người dân Việt lại nhói đau vì một phần máu thịt của Tổ Quốc vẫn còn nằm trong tay ngoại bang. 28 năm, cùng nhìn lại những diễn biến lịch sử đầy đau lòng để thấy rõ dã tâm đen tối của người láng giềng Trung Quốc.

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 12/5/1977, nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố Tuyên ngôn về vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 4/2/1982, chính phủ Việt Nam thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.

Ngày 9/12/1982, chính phủ Việt Nam lập huyện Trường Sa. Đến ngày 28 tháng 12 năm 1982, chính phủ Việt Nam quyết định huyện Trường Sa được nhập vào tỉnh Phú Khánh.

Bắt đầu từ giữ những năm 80, Trung Quốc bắt đầu cho hải quân đánh chiếm dần một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Ngày 10/11/1987, hải quân Trung Quốc đổ bộ lên chiếm đảo Louisa trên quần đảo Trường Sa…Ngày 31/1/1988 chiếm bãi đá Chữ Thập; ngày 18/2/1988 chiếm bãi Châu Viên; ngày 26/2/1988 chiếm bãi Ga Ven; ngày 28/2 chiếm bãi Tư Nghĩa. Trước tình hình Trung Quốc chiếm đóng hàng loạt đảo trên Trường Sa, Việt Nam đã khẳng định chủ quyền trên các đảo còn lại trên các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao.

Đến đầu tháng 3/1988 Trung Quốc đã huy động lực lượng của hai hạm đội tiếp tục mở rộng lấn chiếm, tăng số tàu chiến từ 9 lên 12 tàu gồm 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải hỗ trợ LSM, tàu kéo và 1 pông tông lớn.

Sáng ngày 14/3/1988, 4 tàu chiến Trung Quốc tiến đến bãi Gạc Ma. 6 giờ sáng Trung Quốc đổ bộ 40 quân lên đảo, xông lên giật cờ Việt Nam cắm trên đảo. Các chiến sĩ hải quân Việt Nam đang bảo vệ cờ Tổ quốc đã bị đâm bằng lưỡi lê và bắn chết gồm hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh, thiếu úy Trần Văn Phương…
Lực lượng công binh, hải quân dù tay không vẫn cương quyết bảo vệ cờ. Trung Quốc đã huy động hai chiến hạm bắn thẳng vào lực lượng bảo vệ đảo và tàu vận tải 604 đang neo đậu. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ và một số chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Tàu 604 bị chìm.

Tại đảo Cô Lin (cách Gạc Ma 3,5 hải lý) và Len Đao, Trung Quốc tấn công quyết liệt ngay từ 6 giờ sáng ngày 14/3, bắn cháy tàu HQ 505 và sát hại nhiều chiến sĩ đang giữ đảo. Ở hướng Len Đao, 8 giờ 20 phút ngày 14/3, tàu chiến Trung Quốc bắn cháy tàu HQ 605 của Việt Nam.

Cuộc thảm sát kéo dài 28 phút đã gây thiệt hại nặng cho Việt Nam, 3 tàu bị bắn cháy và chìm, 3 chiến sĩ hy sinh, 11 chiến sĩ bị thương và 74 chiến sĩ mất tích. Sau này Trung Quốc trả lại 9 chiến sĩ bị bắt. Số còn lại được xem là đã hy sinh.

Đáng chú ý là thời điểm mà Trung Quốc lựa chọn để đánh chiếm Gạc Ma được Trung Quốc tính toán rất kĩ lưỡng. Đó là thời điểm mà ở trong nước, Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Còn trên bình diện thế giới, dư luận thế giới lúc đó đang chú ý đến các giải pháp chính trị ở Campuchia. Liên Xô, đồng minh quan trọng của Việt nam lại đang bị sa lầy ở Apganixtan và đang nối lại quan hệ với Bắc Kinh.

Rõ ràng, sự kiện Gạc Ma chỉ là một trong chuỗi âm mưu và hành động thôn tính các đảo Việt Nam của Trung Quốc. Âm mưu này nằm trong tổng thể chiến lược “độc chiếm biển Đông” của Trung Quốc.

Nhớ về lịch sử để mỗi chúng ta thấy cần phải sống có trách nhiệm hơn và luôn phải cố gắng đóng góp công sức để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc.
Ngồn: vietnamconghoa2012.blogspot.com

No comments:

Post a Comment

BACK TO TOP