Tuesday

NẾU BIỂU TÌNH Ở "BÊN TÂY" CÁC "NHÀ DÂN CHỦ" SẼ "ĂN ĐỦ"

Ngô Dụng
Vụ biểu tình trái pháp luật ngày 1/5/2016 (Ảnh Internet)
Những ồn ào sau vụ biểu tình ngày 1/5 được cho là “vì môi trường” đến nay chưa hề có dấu hiệu dừng lại. Bên cạnh vụ Trương Minh Tam bị bắt giữ về hành vi “thu thập thông tin, hình ảnh để phát tán trên Internet nhằm mục đích kích động người dân” thì mấy “anh chị dân chủ” trong nước còn gào ầm ĩ lên rằng “ở Việt Nam thiếu dân chủ, không cho biểu tình trong khi mà bên Tây nó biểu tình ầm ầm…”.

Tuy nhiên, thay vì cứ gào lên theo kiểu cho “sướng cái mồm” mấy “anh chị dân chủ” chẳng chịu tìm hiểu những quy định của pháp luật tại Việt Nam và 1 số nước trên thế giới về biểu tình.
1. Pháp luật về biểu tình ở một số nước trên thế giới
Quyền biểu tình là một trong những quyền cơ bản của công dân, được chính thức ghi nhận ở nhiều nước trên thế giới, tiêu biểu như:
Điều 1 Tu chính thứ nhất của Quốc hội Hoa Kỳ cũng công nhận quyền này: “Quốc hội sẽ không ban hành một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, báo chí và quyền của dân chúng được hội họp và yêu cầu chính phủ sửa chữa những điều gây tranh chấp”.
Điều 21 Hiến pháp Nhật Bản thì tự do hội họp, lập hội, ngôn luận, báo chí với tất cả các hình thức được đảm bảo.
Cộng đồng Châu Âu ghi nhận quyền này trong công ước riêng của mình trong khuôn khổ các nước thành viên như 1 lời cam kết về việc thực thi việc bảo vệ quyền cơ bản của công dân tại Điều 11 Công ước nhân quyền Châu Âu.
Tuy nhiên, quyền lợi gắn liền với trách nhiệm. Pháp luật về biểu tình 1 số nước trên thế giới đều có những quy định cụ thể về nội dung và cách thức thực hiện việc biểu tình, cụ thể như:
- Quy định về việc thông báo khi tổ chức biểu tình: Pháp luật Anh quốc (Đạo luật các tội phạm nghiêm trọng có tổ chức và cảnh sát 2005 và công đạo luật Public Oder Act 1986) quy định: “Các cuộc diễu hành hay các đám rước công cộng phải gửi văn bản thông báo rõ ràng trao cho cảnh sát khu vực nơi mà đám diễu hành định tổ chức, ít nhất 6 ngày trước khi tổ chức”.
- Quy định cấm hoặc hạn chế một số hình thức biểu tình trong một số trường hợp: Quy định tại Mục 14 của đạo luật POA 1986 cho phép cảnh sát áp đặt các biện pháp cần thiết với các cuộc tụ họp công cộng nhằm ngăn chặn những thiệt hại nghiêm trọng cho trật tự nói chung, thiệt hại nghiêm trọng về hình sự hoặc gián đoạn nghiêm trọng đến cuộc sống của cộng đồng.
Ngoài ra, còn những quy định về thời gian cấm biểu tình, phạm vi cấm biểu tình, hình thức biểu tình (VD: băng rôn phải đăng kí trước nội dung, âm thanh phải đúng mức cho phép)… Mọi hoạt động biểu tình nếu không chấp hành những quy định này đều bị coi là trái phép và có những biện pháp xử lý cụ thể. Nói vậy để thấy rằng: biểu tình ở nước ngoài không đơn giản như mấy “anh chị dân chủ” trong nước tưởng tượng.
2. Pháp luật về biểu tình ở Việt Nam
Ở Việt Nam, quyền biểu tình đã được ghi nhận trong nhiều bản Hiến pháp, đạo luật cơ bản của Nhà nước. Cụ thể, tại điều 25 Hiến pháp 1959, điều 67 Hiến pháp 1980, điều 69 Hiến pháp 1992 và mới đây nhất là điều 25 Hiến pháp 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình…”.
Mặc dù, đến nay Việt Nam chưa có Luật Biểu tình (đang trong quá trình xây dựng trình xin ý kiến Quốc hội) nhưng không nghĩa là biểu tình ở Việt Nam bị cấm. Cũng giống như một số nước trên thế giới, ở Việt Nam quyền biểu tình chỉ được thực thi khi đáp ứng được đầy đủ các quy định về điều kiện, quy trình hay thủ tục thực hiện theo quy định của pháp luật.
Khoản 2, Điều 14 Hiến pháp 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Xét về hình thức, thì biểu tình cũng là một dạng của tụ tập đông người nơi công cộng. Mà trong pháp luật về an ninh, trật tự hiện nay mà cụ thể là Điều 7 Nghị định 38/2005-CP có quy định về tụ tập đông người ở nơi công cộng như sau: “Việc tập trung đông người ở nơi công cộng phải đăng ký trước với ủy ban nhân dân có thẩm quyền nơi diễn ra các hoạt động đó và phải thực hiện đúng nội dung đã đăng ký”.
Thực tiễn thời gian vừa qua cho thấy, các cuộc tuần hành, biểu tình do một số “nhà dân chủ” tự xưng trong nước khởi xướng, thực hiện đều tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ANTT. Tiêu biểu là cuộc biểu tình ngày 1/5 vừa qua, lợi dụng hiện tượng cá chết bất thường tại một số tỉnh miền trung, trên các trang mạng “lề trái” như Dân Làm Báo VN, Tễu Blog, Việt Tân, Đàn Chim Việt, Dân Luận… đã đăng tải nhiều thông tin không đúng sự thật; xuyên tạc chính sách pháp luật, hoạt động của các cơ quan chức năng nhằm gây tâm lý hoang mang, bức xúc trong quần chúng để kích động biểu tình. Đặc biệt, trên trang fanpage “Nhật ký yêu nước” còn đưa ra lời kêu gọi xuống đường biểu tình vào ngày 1/5 với luận điệu kích động “biểu tình không cần xin phép các cơ quan chức năng có thẩm quyền”.
Theo đó, một số đối tượng tham gia biểu tình ngày 1/5 vừa qua đã bất chấp các quy định của pháp luật để tiến hành tụ tập đông người, tràn xuống lòng đường gây cản trở, ách tắc giao thông; trưng ra các khẩu hiệu lạc đề nhằm vu cáo, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Mặc dù, các lực lượng chức năng đã rất ôn hòa, kiên trì giải thích rằng đây là những hoạt động vi phạm pháp luật, tuy nhiên, các đối tượng tham gia biểu tình thay vì chấp hành đã có những lời lẽ kích động, gây hấn thậm chí là xuyên tạc, vu khống về việc “bị đàn áp đẫm máu”…
Nếu chiếu theo những quy định của pháp luật hiện hành thì có thể khẳng định cuộc biểu tình ngày 1/5 vừa qua là 1 cuộc biểu tình trái phép. Sẽ không là nói quá nếu mà những hành vi này diễn ra ở nước ngoài như Mỹ, Anh, Đức… thì các “nhà dân chủ Việt” sẽ “ăn đủ” dùi cui, hơi cay và vòi rồng từ lực lượng cảnh sát chứ chẳng còn đủ sức mà gào lên rằng “bị lực lượng an ninh Việt Nam đàn áp đẫm máu”./.
Nguồn: Nguoicondatme.blogspot.com

No comments:

Post a Comment

BACK TO TOP