Saturday

VÙNG NHẬN DẠNG PHÒNG KHÔNG CỦA TRUNG QUỐC TRÊN BIỂN ĐÔNG CÓ GIÁ TRỊ VÀ ẢNH HƯỞNG GÌ?

Anh Quốc


Vùng nhận dạng phòng không (tiếng Anh: Air Defense Identification Zone, viết tắt là "ADIZ") là vùng trời do một quốc gia tự ấn định ra và đòi hỏi mọi máy bay dân sự xâm nhập vùng này phải nhận dạng, báo cáo rõ về vị trí và chịu sự kiểm soát của quốc gia đó. 

Vùng nhận dạng phòng không không đồng nghĩa với không phận nhưng được coi như khu vực song hành với an ninh quốc phòng mà các máy bay khi bay ngang qua vùng nhận dạng phòng không của một quốc gia đều phải tuân thủ các yêu cầu chung như: phải nộp trước lộ trình bay; thiết lập liên lạc hai chiều đối đáp trong thời gian sớm nhất và chính xác nhất với nước quản lý ADIZ; thông báo vị trí, lắp thiết bị nhận dạng radar thứ cấp, tuân thủ hành lang bay mà nước đó quy định, và khi bay qua các điểm báo cáo, bắt buộc đều phải báo cáo với cơ quan đang quản lý ADIZ. Trong trường hợp máy bay không tuân thủ các yêu cầu của quốc gia đặt ra vùng nhận dạng thì có thể chịu sự can thiệp của máy bay quân sự của nước lập ra ADIZ yêu cầu nhận dạng và buộc phải rời khỏi khu vực này ngay lập tức cũng như có thể chịu những biện pháp phạt khác.

Trung Quốc - từ năm 2013 đã phát đi tuyên bố của Bộ Quốc Phòng nước này về việc đã áp đặt ADIZ tại vùng biển Hoa Đông, bao gồm cả quần đảo Senkaku mà giữa họ đang có tranh chấp với Nhật Bản. Những động thái mới đây nhất của Trung Quốc khiến giới nghiên cứu cho rằng Trung Quốc đã và đang đẩy nhanh tiến độ thiết lập ADIZ trên Biển Đông của Việt Nam. Điều này làm dấy lên những vấn đề không mấy tích cực từ phía dư luận xã hội Việt Nam cũng như dư luận Quốc Tế.

Vậy thực tế, vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc lập ra trên biển Hoa Đông và Biển Đông (nếu có) có giá trị pháp lý và ảnh hưởng như thế nào đối với các nước có liên quan?

Như đã trình bày ở trên, ADIZ là do một quốc gia tự đặt ra và nó chỉ có giá trị pháp lý khi nó phù hợp với luật pháp Quốc tế và được các quốc gia khác công nhận. Việc Trung Quốc tự ý xác lập một cách áp đặt ADIZ trên biển Hoa Đông và Biển Đông bao gồm cả các vùng biển có tranh chấp như quần đảo Senkaku (tranh chấp với Nhật Bản) và gần như toàn bộ Biển Đông (thuộc chủ quyền của Việt Nam) là trái với các nguyên tắc của Luật Quốc tế. Đương nhiên, ADIZ đó không được Việt Nam, Nhật Bản và các quốc gia có liên quan ở khu vực Biển Đông cũng như cộng đồng quốc tế công nhận. Do đó, dù Trung Quốc có áp đặt 2 hay nhiều hơn nữa các ADIZ mà trái với luật pháp quốc tế thì ADIZ đó cũng chỉ có giá trị pháp lý bằng "không". Hay nói cách khác, nó chỉ có giá trị về mặt tinh thần để người Trung Quốc tự huyễn hoặc nhau về cái gọi là "sự kiểm soát" đối với không phận ở nơi họ xác lập ADIZ. Việt Nam, Nhật Bản và các quốc gia có liên quan vẫn hoàn toàn có đầy đủ các quyền chủ quyền đối với vùng trời, vùng biển theo quy định của luật pháp Quốc tế mà không hề phụ thuộc vào những tuyên bố phi lý của Trung Quốc về cái gọi là Vùng nhận diện phòng không (ADIZ). Và tất nhiên, máy bay nói riêng, các phương tiện bay nói chung của Việt Nam hay các quốc gia khác hoàn toàn có thể hoạt động một cách bình thường trong phạm vi lãnh thổ (gồm cả vùng đất, vùng nước và vùng trời) mà không chịu bất cứ một sự chi phối hay tác động nào từ phía Trung Quốc.

Một câu hỏi mà dư luận đặt ra là liệu Trung Quốc có thể sử dụng biện pháp kỹ thuật để can thiệp gây ảnh hưởng đến các máy bay của Việt Nam khi bay qua vùng trời Biển Đông như áp chế điện tử hay sử dụng máy bay quân sự để khống chế, đe dọa?

Theo các chuyên gia kỹ thuật về hàng không thì việc áp chế điện tử đối với các máy bay là điều rất khó có thể xảy ra. Bởi các máy bay cả dân sự và quân sự đều được thiết kế hệ thống điều khiển điện tử độc lập rất tinh vi và được điều khiển trực tiếp bằng con người (phi công) nên việc sử dụng sóng vô tuyến để áp chế gây phương hại đến hoạt động của máy bay là gần như không thể. Việc áp chế điện tử đã khó có khả năng, việc sử dụng máy bay quân sự hay các hệ thống phòng không để khống chế, đe dọa hoặc tấn công gây phương hại đến các phương tiện bay lại càng khó có thể xảy ra. Bởi nếu Trung Quốc tiến hành các biện pháp đe dọa hay tấn công quân sự đối với các phương tiện bay trong vùng ADIZ mà họ thiết lập trái phép thì đó được coi là động thái phát động chiến tranh. 

Mặc dù những năm gần đây, Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh phát triển năng lực quân sự về mọi mặt nhưng có một điều chắc chắn rằng thực tế các điều kiện hiện nay của họ chưa thể sẵn sàng cho một cuộc xung đột vũ trang trên Biển Đông. Các phân tích của giới chuyên gia cho rằng mặc dù Trung Quốc đã xây dựng được sân bay và một số cơ sở hậu cần trên các đảo mà họ chiếm đóng trái phép của Việt Nam nhưng thực tế nếu xảy ra chiến tranh vũ trang thì những hạ tầng này sẽ nhanh chóng bị phá hủy và vô hiệu hóa ngay từ những loạt đạn đầu tiên, do đó, chúng chỉ có giá trị "làm cảnh" mà thôi. 

Khi cơ sở hậu cần trên Biển Đông bị vô hiệu hóa thì năng lực tác chiến của các máy bay chiến đấu Trung Quốc có thể nói là bằng không. Khoảng cách thực tế dù ngắn nhất từ căn cứ trên đảo Hải Nam đến khu vực quần đảo Trường Sa cũng đều nằm ngoài tầm tác chiến của máy bay Trung Quốc. Họ chỉ có thể bay ra rồi bay về ngay chứ không thể tác chiến bởi không có máy bay nào có đủ nhiên liệu để thực hiện điều đó, chưa kể họ hoàn toàn có thể bị đánh chặn trên đường trở về căn cứ, khi đã cạn nhiên liệu và vũ khí.

Mặt khác, Biển Đông là khu vực chiếm tới trên 80% lưu lượng vận tải hàng hải của thế giới, nếu xảy ra chiến tranh vũ trang hay Trung Quốc "độc chiếm" sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều quốc gia trên thế giới, chắc chắn họ sẽ không thể ngồi yên để lợi ích của mình bị xâm hại. Do đó, hẳn Trung Quốc sẽ không thể muốn phát động một cuộc chiến tranh trên Biển Đông, ít nhất là ngay lúc này - trong khi họ không phải là nước có khả năng chiếm ưu thế.

Việc Trung Quốc thiết lập ADIZ trên Biển Đông hay biển Hoa Đông là việc của họ, nhưng ADIZ đó có giá trị pháp lý hay có được công nhận không lại không phải là điều họ muốn là làm được. Do đó, ADIZ mà họ xác lập cũng chỉ có giá trị như con hổ vẽ mà thôi. Hay nói cách khác, nó chỉ có giá trị tinh thần để người Trung Quốc tự huyễn hoặc lẫn nhau chứ không hơn không kém.

Nguồn: gocnhinthoidai.blogspot.com

No comments:

Post a Comment

BACK TO TOP