Sunday

Tổng thống Ngô Đình Diệm: Độc tài hay nhân trị?

Ông Ngô Đình Diệm, tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa, xuất hiện tại một hội chợ ở Sài Gòn năm 1957

Tổng thống Ngô Đình Diệm là người có công sáng lập Việt Nam Cộng Hòa, công định cư hàng triệu người Bắc di cư, công đưa miền Nam từ chiến tranh sang một thời kỳ vàng son nhất trong lịch sử cận đại, công xây dựng nền tảng kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội cho miền Nam tự do.
Bên cạnh đó không ít người cho rằng ông Diệm độc tài, gia đình trị và đàn áp Phật giáo. Bài viết nhìn vào hoàn cảnh chính trị nhận định, phân tích, làm rõ vấn đề, để rút ra bài học.

Thời thế tạo Thủ tướng

Trong bài viết đăng trên Talawas: "Một lựa chọn dân chủ trong quá khứ: Hoàng đế Bảo Đại - Thủ tướng Ngô Ðình Diệm" tôi đã trình bày chính Quốc trưởng Bảo Đại chọn ông Diệm làm Thủ Tướng với sự đồng thuận của tất cả các tôn giáo, các phong trào chính trị và đảng phái quốc gia.
Đánh giá về ông Diệm, Quốc trưởng Bảo Đại cho biết:
"Trước đây tôi đã dùng ông Diệm, tôi biết rằng ông ta vốn khó tính. Tôi cũng biết về sự cuồng tín, và tin vào Đấng Cứu thế. Nhưng trong tình thế này, không còn có thể chọn ai hơn.
Thật vậy, từ nhiều năm qua, người Mỹ đã biết ông, và rất hâm mộ tính cương quyết của ông. Trước mắt họ, ông là nhân vật có đủ khả năng đối phó với tình thế, vì vậy Washington sẵn sàng hỗ trợ ông.
Nhờ thành tích cũ, và nhờ sự có mặt của em ông, đang đứng đầu Mặt trận Đoàn kết Cứu quốc, ông được nhiều nhà quốc gia cuồng nhiệt ủng hộ; các vị này từng làm đổ chính phủ Nguyễn Văn Tâm và chính phủ Bửu Lộc.
Tóm lại, nhờ cương quyết và cuồng tín, ông là người chống cộng chắc chắn. Đúng vậy, đó là người của hoàn cảnh."


The last emperor of An Nam
Image copyrightAFP/GETTY IMAGES
Image captionHoàng đế cuối cùng của Việt Nam, Bảo Đại

Vua Bảo Đại còn cho biết vì hoàn cảnh bấy giờ, ông Diệm phải đương đầu với Pháp và Việt Minh cộng sản nên chính nhà vua đã trao toàn quyền quân sự, chính trị và cả ngoại giao cho ông Diệm.

Thời thế tạo Quốc trưởng

Trên thực tế quân đội, cảnh sát và các giáo phái vẫn chịu ảnh hưởng nhiều ở người Pháp, của vua Bảo Đại và không muốn chia sẻ quyền lực với Thủ tướng Ngô Đình Diệm.
Hoa Kỳ vì muốn loại người Pháp khỏi Đông Dương nên quyết định viện trợ trực tiếp cho chính phủ Ngô Đình Diệm, giúp ông Diệm kiểm soát được quân đội, dẹp được Bình Xuyên và các giáo phái.
Việc thống nhất các lực lượng quân sự của ông Diệm được các đảng chính trị nhiệt tình ủng hộ, nhưng lại va chạm đến quyền lợi những người đang nắm quyền lực quân đội, cảnh sát, giáo phái và với Quốc trưởng Bảo Đại.
Mâu thuẫn đã được giải quyết bằng việc trưng cầu dân ý "Truất phế Bảo Đại và khai sinh Đệ nhất Cộng hoà", nói đúng hơn là việc trưng cầu dân ý chọn Bảo Đại hay chọn Ngô Đình Diệm.
Ông Lâm Lễ Trinh, nguyên Bộ trưởng Nội vụ (1955-59), cho biết việc truất phế Bảo Đại là một việc làm hoàn toàn ngoài ý muốn của ông Diệm, thậm chí lương tâm ông Diệm cảm thấy đã phạm tội khi quân.
Ông Huỳnh Văn Lang Tổng Giám đốc Viện Hối đoái kiêm Tổng Bí thư Liên chi bộ Đảng Cần lao, và nhiều người trực tiếp lật đổ Bảo Đại cũng đã xác nhận ông Diệm không có ý định lật đổ Bảo Đại.
Ngay chính cựu hoàng Bảo Đại cũng nhận định: "Việc ông ta lật tôi là do sức ép của chính trị."
Ông Diệm xuất thân từ gia đình quan lại, được đào tạo bài bản để làm quan, thế nên ông không hề sửa soạn để có ngày phải giữ vai trò Quốc trưởng và Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa.

protesters demonstrating in support of the policy of Premier general Ngo Dinh Diem and displaying banners against Emperor Bao Dai
Image copyrightSTF/GETTY IMAGES
Image captionBiểu tình phản đối Quốc trưởng Bảo Đại ở Sài Gòn ngày 18/05/1955

Ông Diệm có vài năm sống tại Hoa Kỳ, nhưng thời gian quá ngắn để ông có thể hiểu thấu được người Mỹ và guồng máy dân chủ của Hoa Kỳ, và vì thế guồng máy công quyền Đệ nhất Cộng hòa rất khác khuôn mẫu công quyền Hoa Kỳ.

Quyền lực tập trung trong tay tổng thống

Những người hoạt động chính trị bên cạnh ông Diệm đều là những người nhiều kinh nghiệm chống cộng.
Họ tin rằng muốn thắng được cộng sản phải xây dựng một chính quyền trung ương mạnh, một lãnh tụ có quyền lực.
Từ đó, thay vì xây dựng một một guồng máy công quyền pháp trị thì họ hướng đến việc xây dựng một hệ thống nhân trị quyền lực tập trung trong tay Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Theo họ, ông Diệm cần được biết đến như một nhân vật được đa số tuyệt đối quần chúng ủng hộ. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý bị nhiều người tố cáo là gian lận, với con số tuyệt đối 98,2% dân chúng muốn ông Diệm thay Bảo Đại làm Quốc trưởng.
Bản thân ông Lâm Lễ Trinh và ông Huỳnh Văn Lang cũng cho rằng kết quả kia là thiếu trung thực.
Theo Hiến pháp 1956, tổng thống lãnh đạo quốc dân, được quyền chọn và bổ nhiệm từ chánh án tòa phá án, chủ tịch viện bảo hiến, các bộ trưởng chính phủ, các chức vụ trong quân đội…, đến tỉnh trưởng, quận trưởng, xã trưởng.
Quốc hội thì chỉ có một viện duy nhất. Quyền lực quốc hội bị lấn áp bởi quyền uy của tổng thống.
Chính ông Diệm đã chấp nhận kết quả trưng cầu dân ý và cùng Quốc hội soạn ra Bản Hiến pháp, sau đó việc suy tôn Ngô Tổng thống trở thành quốc sách, chứng tỏ ông Diệm chấp nhận vai trò hạt nhân trong nền Đệ nhất Cộng hòa.
Càng nhiều quyền lực thì trách nhiệm càng nặng nề đổ lên ông Diệm. Để hoàn thành trách nhiệm, ông phải chia sẻ quyền lực với những người thân cận, gần gũi và trung thành với ông.

Pedicabs on the road connecting Saigon with Cholon
Image copyrightTHREE LIONS
Image captionXe ba gác nối trung tâm Sài Gòn với Chợ Lớn, khoảng năm 1959

'Thời nhân trị đã qua'

Vì muốn tập trung quyền lực, ông Diệm đã bị nhiều đảng chính trị và nhiều chính trị gia đối lập chống lại.
Nhiều người trước đây từng ủng hộ ông Diệm lên cầm quyền nhưng rồi không đồng thuận với ông về phương cách cầm quyền. Nhiều người phải bỏ nước ra đi, bị cô lập, bị tù, có người chết trong tù…
Sáng ngày 26/4/1960, một nhóm gồm 18 nhân sỹ ra Tuyên cáo Caravelle, nêu các sai lầm của chính phủ về chính trị, hành chính, xã hội, quân sự, tạo tình trạng bất mãn trong dân chúng, làm giảm tiềm lực đấu tranh chống cộng, đòi thực thi dân chủ, chấm dứt gia đình trị, và cải cách thể chế.
Tuyên cáo Caravelle là một biến cố chính trị vì nhóm nhân sỹ dám thách thức quyền lực của Tổng Thống, đa số sau đó bị bắt giam và bị tra tấn.
Việc chống lại chiến tranh du kích, thay vì bổ nhiệm người địa phương, Tổng thống Diệm lại sử dụng người thân cận vào các vai trò lãnh đạo địa phương, nên không được dân cộng tác, có nơi còn chống lại.
Nạn bè phái và lạm quyền của giới chức địa phương tạo tình trạng bất mãn trong dân chúng và cơ hội cho du kích cộng sản tồn tại và phát triển.
Không có bằng chứng chính quyền đã ra lệnh đàn áp Phật giáo hay thiếu tự do tôn giáo tại miền Nam. Nhưng việc đối xử thiên vị giữa các tôn giáo đã xảy ra ở cả chính quyền trung ương lẫn địa phương.
Sự thiên vị tôn giáo gây bất mãn và vào ngày 6/5/1963 bùng nổ khi chính quyền ra lệnh cấm treo Phật kỳ trong lễ Phật đản tại Huế, và sau đó dẫn đến cuộc đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo.
Ông Diệm giữ vai trò Tổng tư lệnh tối cao của các lực lượng quân sự, nhưng không có kinh nghiệm quân sự và rất ít ảnh hưởng trong quân đội.
Đa số tướng lãnh đều xuất thân từ quân đội Pháp, vì thế sự thăng thưởng và bổ nhiệm người của ông Diệm gây không ít bất mãn trong quân đội.
Ngày 11/11/1960, các sỹ quan chỉ huy Binh chủng Nhảy dù, cùng một số chính trị gia tấn công dinh Độc Lập, đòi ông Diệm cải tổ toàn diện cơ cấu lãnh đạo quốc gia để xây dựng lại chính nghĩa và nâng cao hiệu năng chiến đấu của quân dân miền Nam.
Cuộc đảo chánh không thành nhưng rõ ràng ông Diệm không còn kiểm soát được quân đội.
Ngày 27/2/1962, Trung úy Phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử đã bay 2 chiếc Skyrider A-1 ném bom, bom Napalm và bắn rocket vào Dinh Độc lập với mục đích giết ông Diệm nhưng không thành.
Ngày 1/11/1963, các tướng lãnh lại đảo chánh, lần này họ thành công.
Ngày hôm sau, 2/11/1963, ông Diệm và ông Nhu bị bắt và bị hạ sát.

Tại sao người Mỹ lật đổ ông Diệm?

Không có bằng chứng người Mỹ đã đưa ông Diệm về chấp chính. Thậm chí họ còn muốn lật ông ngay khi ông còn làm thủ tướng.
Nhưng lại có nhiều bằng chứng cho thấy cuộc đảo chánh 1/11/1963 có bàn tay người Mỹ nhúng vào.
Vai trò của tổng thống trong Bản Hiến pháp 1956, việc tấn phong ông Diệm làm Tổng thống, và Quốc hội Lập hiến biến thành Quốc hội Lập pháp là đi ngược với tinh thần lập hiến, cộng hòa và dân chủ theo khuôn mẫu Hoa Kỳ.
Người Mỹ đánh giá một thể chế là dân chủ khi thể chế đó tồn tại đối lập, không có tù chính trị và báo chí không bị kiểm soát.
Với người Mỹ, chính quyền Ngô Đình Diệm là một chính quyền độc tài gia đình trị vì ông Diệm sử dụng những người thân cận và gia đình trong việc điều hành quốc gia.




a soldier of the National Liberation Forces (NLF) of North Vietnam surveying the National Assembly building in SaigonImage copyrightAFP/GETTY IMAGES
Image captionMột người lính giải phóng ở Sài Gòn ngày 30/04/1975

Người Mỹ viện trợ cho miền Nam là nhằm ngăn chặn làn sóng xâm lược của cộng sản.
Ông Diệm một phần không được hỗ trợ của của các tướng lãnh quân đội. Khi cộng sản nổi dậy ở nông thôn, người Mỹ không còn tin ông Diệm có thể thực hiện việc ngăn ngừa cộng sản một cách có hiệu quả.
Trên thực tế, ông Diệm chỉ tập trung vào đối nội, mặt đối ngoại không được ông coi trọng. Nhiều tòa đại sứ là nơi đày ải người quốc gia không theo ông. Nên việc ngoại giao và đối phó với truyền thông quốc tế thời Đệ Nhất Cộng Hòa không được tốt lắm.
Người Mỹ đe dọa nếu không có những cải cách về chính trị và quân sự họ sẽ cắt viện trợ, nhưng ông Diệm xem thường lời đe dọa.
Người Mỹ biết rõ nhờ thành quả kinh tế nên ông Diệm được dân chúng ủng hộ, và do đó thực lực của ông vẫn còn. Nếu người Mỹ không trực tiếp nhúng tay vào việc lật ông Diệm thì các tướng lãnh và chính trị gia đảo chánh không thể nào lật đổ được ông.
Người Mỹ không chủ trương giết anh em ông Diệm, nhưng các tướng lãnh quân đội sợ nếu hai ông còn sống sẽ đảo ngược thế cờ và khi đó họ sẽ bị trừng trị nặng nề.
Chuyện ông Diệm và ông Nhu đi đêm, hoà giải, ve vãn, bắt tay, đầu hàng…, hay mắc lừa phe cộng sản nên bị Hoa Kỳ lật đổ là câu chuyện không có bằng chứng. Xin xem bài viết trước đây của tôi, đã đăng trên talawas "Quanh chuyện cành đào Hồ Chí Minh gửi vào Nam".
Một thể chế cộng hòa nhân trị xây dựng chung quanh một con người, dù người đó có vì nước vì dân như Tổng thống Ngô Đình Diệm, là một thể chế cộng hòa thiếu bền vững.
Bài học này đã được rút ra trong việc xây dựng nền Đệ nhị Cộng hòa với tam quyền phân lập trên nguyên tắc kiểm soát và đối trọng giữa các nhánh quyền lực.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Nguyễn Quang Duy từ Melbourne, Úc.
Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/forum-37852186?ocid=socialflow_facebook

2 comments:

  1. Nhiều người trước đây từng ủng hộ ông Diệm lên cầm quyền nhưng rồi không đồng thuận với ông về phương cách cầm quyền. Nhiều người phải bỏ nước ra đi, bị cô lập, bị tù, có người chết trong tù…

    ReplyDelete
  2. Với người Mỹ, chính quyền Ngô Đình Diệm là một chính quyền độc tài gia đình trị vì ông Diệm sử dụng những người thân cận và gia đình trong việc điều hành quốc gia.

    ReplyDelete

BACK TO TOP